Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Nhập nội dung vào đây để tìm kiếm!

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Điện Biên Phủ là một địa bàn rất quan trọng nằm giữa cánh đồng Mường Thanh. Đây là một thung lũng hình lòng chảo với bốn bề có núi cao dựng đứng. Hơn nữa Điện Biên Phủ còn có phía Tây giáp với biên giới Việt Lào. Điều này cho thấy đây là địa bàn hết sức quan trọng vì nếu chiếm được sẽ khống chế được miền Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào và một phần miền Nam Trung Quốc.

Nhận thấy được điều ấy Pháp - Mỹ đã xây dựng nơi đây thành một cứ điểm được đánh giá là hùng mạnh nhất Đông Dương. Chúng coi đây là pháo đài bất khả xâm phạm. Chúng âm mưu biến Điện Biên Phủ thành bàn đạp xâm lược Đông Dương. Trong chiến dịch Thu Đông 1953 - 1954, Pháp tập trung tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ một lực lượng quân sự lớn với 16.200 lính và nhiều vũ khí mạnh, bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hệ thống hỏa lực mặt đất khá mạnh với 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.

Trước mưu đồ của kẻ thù, dân tộc ta đã cùng nhau hiệp lực chuẩn bị về mọi mặt để mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ. Ở tiền tuyến các chiến sĩ được học tập chính trị, rèn luyện vũ trang. Ở địa phương chúng ta tiến hành cải cách ruộng đất, mở rộng sản xuất. Tất cả hoạt động đều hướng về Điện Biên. Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, Hồ Chủ Tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000.


Lá cờ tung bay trên nóc hầm Des Castri, báo hiệu chiến thắng hoàn toàn về ta!

Phương châm tác chiến ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ là "đánh nhanh, thắng nhanh", sau được thay đổi thành "đánh chắc, tiến chắc" do đánh giá lại tính chất phòng ngự và so sánh lực lượng. Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn:

* Đợt 1: từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

* Đợt 2: từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Tướng NaVa hy vọng đến mùa mưa ta phải giãn vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

* Đợt 3: từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 6/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra được đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng. Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là đường lối tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bằng chiến tranh cách mạng với mục tiêu “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện chiến lược kháng chiến toàn dân, toàn diện. Theo chiến lược này, Đảng động viên toàn dân, Đảng tổ chức toàn dân; phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh của cả nước; tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện; phát huy cao độ tính sáng tạo của cả quân và dân, của cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tự vệ. Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lòng yêu nước, khát vọng được sống trong độc lập, tự do, hòa bình của nhân dân ta đã tạo nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.

Nhân dân ta rất anh hùng, đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc vừa củng cố hậu phương kháng chiến vừa đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, chia lửa với chiến trường chính; đóng góp cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch; cổ vũ tinh thần cho bộ đội ta trên các chiến trường; bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến thắng.

Quân đội ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, về lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có. Bộ đội ta với ý chí quyết chiến, quyết thắng; vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường; chiến đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm lập nhiều chiến công. Hàng nghìn bộ đội, du kích, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh trên tất cả các chiến trường Đông Dương mà trọng điểm là chiến trường Điện Biên Phủ.

Các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc; hai nước láng giềng Lào và Campuchia cùng chung chiến hào chiến đấu chống thực dân Pháp; phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước ở Á, Phi, Mỹ Latin; phong trào nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình và dân chủ (mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp), chống chính sách xâm lược và thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương... đã dành cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng trên chiến trường Điện Biên Phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ, cổ vũ to lớn, góp phần tạo nên sức mạnh thời đại cho Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 của quân và dân ta, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chấm dứt ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta cũng như trên bán đảo Đông Dương. Chiến thắng này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám, mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta, xứng đáng với truyền thống anh hùng của dân tộc ta. Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi và là sức mạnh, là động lực, là nguồn cổ vũ nhân dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện chấn động địa cầu, là một mốc vàng của thời đại, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức khắp các châu lục Á, Phi, Mỹ Latin đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Chiến thắng này không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn là chiến thắng của nhân dân Lào và Campuchia chung chiến hào chống Pháp trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, thu hẹp dinh lũy của chúng, làm thất bại ngay từ đầu chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới. Chiến thắng này không chỉ soi sáng con đường các dân tộc đấu tranh tự giải phóng, mà còn chỉ rõ sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên phạm vi toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta và trên toàn bán đảo Đông Dương. Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì không thể có Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thắng lợi của chín năm kháng chiến trường kỳ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần to lớn bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra các tiền đề, điều kiện để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vươn tới giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện mang tầm vóc thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa trên toàn cầu. Bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã nêu tấm gương sáng trước toàn thế giới về lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất, sức sáng tạo trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm vì độc lập dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trước hết đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam; là chiến thắng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là thắng lợi của đường lối “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”. Cùng với nhân dân cả nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua vô vàn gian nan, thử thách, chiến đấu kiên cường, bền bỉ, sáng tạo góp phần quyết định làm nên chiến thắng.

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, bài học kinh nghiệm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào giai đoạn lịch sử mới chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Với đường lối cách mạng đúng đắn, sự chỉ đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Sự phát triển vượt bậc của đất nước đã tạo ra những động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trong sự nghiệp CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy giành được những thành tựu rất đáng tự hào, và phía trước có những thời cơ mới mở ra nhưng Việt Nam cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Kỷ niệm 57 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy cao độ những bài học quý báu trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra những yêu cầu mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân cho toàn dân, chúng ta phải đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” để xứng đáng với vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân. Có như vậy chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội mới không ngừng được nâng cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ XHCN và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Kỷ niệm 58 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Tổ quốc ta, Đảng ta, nhân dân ta và sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta. Sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong hòa bình nhắc nhở chúng ta phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Dù phía trước còn nhiều nguy cơ, thách thức nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống "Quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân ta không ngừng được phát huy, công cuộc đổi mới của đất nước ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại mãi mãi xứng đáng với tầm vóc lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: vqd.edu.vn

CHUYÊN MỤC

Đăng nhận xét

0 Nhận xét